SƠN CHÂU GIAI ĐOẠN 1945 - 1954
Tháng 1/1946, 3 làng: Tứ Mỹ, Đông Tràng, Đông Trung hợp nhất thành xã Đông Mỹ. Chi bộ Đông Mỹ được thành lập do đồng chí Trần Thế Lộc làm Bí thư, Ủy ban hành chính xã do ông Trần Chung làng Tứ Mỹ làm chủ tịch. Chi bộ Đông Mỹ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện các nhiệm vụ:
- Tham gia cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ nhất vào ngày 06/01/1946 lập ra bộ máy chính quyền của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Vinh dự cho xã Đông Mỹ có ông Trần Bình là 1 trong 7 ứng cử viên của tỉnh Hà Tĩnh đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiền của nước Việt Nam DCCH.
- Thực hiện nhiệm vụ “diệt giặc đói”, nhân dân tích cực thực hiện phong trào tiết kiệm và tăng gia sản xuất, với khẩu hiệu “Mười ngày nhịn ăn một bữa”, “tăng gia sản xuất, tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa”. Mọi gia đình đều tự mình cứu đói bằng cách lên núi tìm củ mài, rau quả để ăn qua ngày, dần dần nạn đói được đẩy lùi. Đến những năm 1948, 1949, Đông Mỹ cơ bản tự túc được lương thực, có chi viện cho công nhân, bộ đội, đồng bào tản cư đến địa phương và chi viện cho chiến trường.
- Để giải quyết 95% dân số mù chữ, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lớp “Bình dân học vụ đã được thành lập ở Đông Mỹ. Nhân dân đã tích cực tham gia các lớp học chữ, với khẩu hiệu “Đi học là yêu nước”, “Đi học là kháng chiến”. Đến cuối năm 1948, đã cơ bản thanh toán được nạn mù chữ.
Trong các năm 1946 - 1947, Nhân dân xã nhà tiếp tục thực hiện lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đội tự vệ được thành lập, cùng với việc thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, hàng trăm mét giao thông hào nhân dân đào quanh các sườn núi, nhiều ụ đất dọc đường 8 và hàng rào kháng chiến được dựng lên quanh các làng; các đội du kích ra đời, phong trào tòng quân được phát động, với hàng chục người con quê hương gia nhập quân đội.
Tháng 3 năm 1951, xã Đông Mỹ sáp nhập với xã Bình Dương lên tên là xã Bình Mỹ. Cuối tháng 6 năm 1951, chi bộ 2 xã được hợp nhất thành chi bộ Bình Mỹ.
Bình Mỹ là xã có nhiều mục tiêu bị địch đánh phá như: như Cầu Nầm, cầu Tréc Nác, cầu Cửa Khâu (Choi), cùng các cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh, các công xưởng sơ tán trên địa bàn xã. Để phòng tránh hoạt động đánh phá của địch, xã chủ trương củng cố và đào thêm rất nhiều hầm, hào; trường học chuyển vào nhà dân, nhiều hoạt động sản xuất và sinh hoạt chuyển vào ban đêm.
Trải qua 9 năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân xã Đông Mỹ, rồi đến xã Bình Mỹ đã làm tốt nhiệm vụ xây dựng, củng cố hậu phương, chi viện tiền tuyến. Chi bộ được công nhận kiểu mẫu, Ủy ban kháng chiến hành chính được tặng cờ thi đua của Chính phủ.
Kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp, đã có hàng trăm tấn lương thực và thực phẩm của nhân dân xã Bình Mỹ được chi viện ra mặt trận, hơn 200 thanh niên gia nhập quân đội, TNXP, 580 lượt người tham gia phục vụ chiến đấu trên các mặt trận, có 25 liệt sỹ, 20 thương bệnh binh, 17 đồng chí được công nhận cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa...
Sự cống hiến xương máu của nhân dân đã góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Tám. Đây cũng là động lực để nhân dân Bình Mỹ quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, sẵn sàng chuẩn bị những điều kiện cần thiết để bước vào thời kỳ cách mạng mới.
Cuối năm 1954, xã Bình Mỹ tách ra thành 3 xã: Sơn Châu, Sơn Hà, Sơn Bình (danh xứng Sơn Châu bắt đầu từ đây). Xã Sơn Châu là toàn bộ cư dân và đất đai của xã Đông Mỹ ngày trước, gồm các thôn: Tứ Mỹ, Đông Trung, Đông Tràng. Cùng với việc chia tách xã, chi bộ xã Sơn Châu được thành lập, với 125 đảng viên./.