Vị trí địa lý
Sơn Châu là xã thuộc vùng hạ huyện Hương Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 10 km về phía Đông Bắc. Phía Đông giáp xã Sơn Hà, phía Nam giáp xã Sơn Bình, phía Tây giáp xã Sơn Thủy, phía Bắc giáp xã Sơn Ninh.
Diện tích đất tự nhiên 497,79 ha, trong đó đất nông nghiệp 361,87 ha, đất lâm nghiệp 86,6 ha, đất thủy sản 12 ha, đất phi nông nghiệp khoảng 100 ha.
Sơn Châu thuộc vùng bán sơn địa, phía Tây có núi Vằng (Kim Sơn) chạy từ Nầm đến giáp xã Sơn Bình phân cách xã Sơn Châu với xã Sơn Thủy (vào khoảng những năm 1925-1930 đã có người đến khai thác vàng ở đây, do vàng còn non nên không khai thác nữa). Hệ đồi núi bắt đầu từ dãy núi Vi Kỳ, dân địa phương gọi là núi Sinh Cờ hay Tinh Kỳ ở địa đầu thôn Tứ Mỹ, xã Lạc Phố (nay là xã Sơn Châu). Núi này có các ngọn rú Am, rú Đá, hay Đá Trắng và rú Cụp (Cập sơn). Rú Đá ở mé sông, sau bị sụt lở, nên gọi rú Trụn. Trên đỉnh có khối đá Đầu Voi, tương truyền là nơi quân vua Lê dựng cờ (do đó có tên Tinh Kỳ), mái núi có hang Khái, và chân núi có cái hang lớn, sau khi núi sụt lở, đã bị bồi lấp. Tương truyền hang này là nơi chứa lương do nhân dân đưa đến giúp nghĩa quân. Vì vậy mà núi Sinh Cờ - Vi Kỳ được gọi là núi Phù Lê (Giúp nhà Lê), rú Nen là nơi đặt nghĩa trang và chăn thả trâu bò. Phía Nam, giáp xã Sơn Bình có các núi thấp Cồn Gát (trong kháng chiến là nơi đặt kho lương thực của huyện), rú Nhón là nơi đặt nghĩa trang của xã, rú Trại là nơi đặt Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Nầm.
Sông Ngàn Phố chảy từ phía Tây Bắc là ranh giới phía Bắc của xã với Sơn Ninh, dài khoảng 4 km. Hói Trẹc Nác vốn là một nhánh phân lũ của sông Ngàn Phố, nằm giáp ranh giữa 2 dãy núi Kim Sơn và Vi Kỳ, chảy xuống theo hướng Đông qua các cánh đồng của xã Sơn Bình, qua cống Cửa Trộ đổ ra vực Ác trên sông Ngàn Sâu (hói này nay không còn). Ngoài ra, xã còn có bàu Đông - một nhánh sông cụt bị bồi lấp chạy ngang xã từ sông Ngàn Phố vào đường 8B (dài 1 km). Sông Ngàn Phố và bàu Đông là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho 100 ha đất trồng lúa của xã. Trạm bơm xóm Đình, xây dựng năm 1968-1970, mương chính dài khoảng 3 km, cung cấp nước cho 100 ha đất ruộng lúa của Sơn Châu và Sơn Bình; các đập nước rú Lều (Nầm), đập Khe Mương, đập Khe Điếc, cung cấp nước cho khoảng 20 ha đất trồng lúa.
Vùng bãi bồi bên bờ sông rộng 40 ha (vùng Bãi) là phù sa sông Ngàn Phố bồi đắp, phù hợp để trồng rau màu, đậu, lạc, ngô (trước đây trồng dâu nuôi tằm và cây mía). Tương truyền ông Trần Xuân Hoài, Tri phủ Quảng Trạch (Quảng Bình) về nghỉ hưu tại quê nhà, thấy quê hương hàng năm bị lũ lụt, sản xuất nông nghiệp khó khăn, ông đã hướng dẫn nhân dân làm kè, trồng tre dọc bờ sông để chống xói lở, lâu ngày bồi đắp thành cánh đồng này.
Sơn Châu có 2 tuyến đường huyết mạch đi qua: Quốc lộ 8A (3 km) và đường tránh lũ 8B (4 km) cùng hệ thống đường liên xã, liên thôn dài 6 km được đổ bê tông, rất thuận lợi cho nhân dân đi lại, thêm vào đó, Sơn Châu là một địa phương có đường sông dài trên 5 km, tất cả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của xã.
2. Khí hậu, thời tiết
Cũng như các xã khác của huyện Hương Sơn, Sơn Châu nằm vào khu vực nhiệt đới gió mùa, thời tiết khí hậu mang những đặc trưng chung của vùng. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 23,60C, lượng mưa trung bình đạt từ 1.400 - 2.300 mm. Mỗi năm chia làm 2 mùa rõ rệt:
Mùa nóng: bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9, nhiệt độ trung bình khoảng 300 - 350C, chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam (thường gọi là gió Lào). Gió Lào xuất phát từ Ấn Độ Dương, qua Thái Lan vào gây mưa ở Lào, khi vượt dãy Trường Sơn sang Việt Nam bị biến tính trở nên khô và nóng. Gió thường hoạt động từ tháng 5 đến tháng 9, mạnh nhất là vào các tháng 6, 7, 8 với cường độ thổi từ 11 - 14 giờ trong ngày, gây khô nóng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Tuy nhiên, vào cuối mùa nắng khí hậu có sự thay đổi khá rõ: từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 10 mưa bão xảy ra thường xuyên gây ngập lụt nhiều nơi. Lượng mưa trung bình của địa phương trong mùa này chiếm 80 - 90%, lượng mưa toàn xã cả năm đạt từ 1.300 - 2.300 mm.
Mùa lạnh: kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Gió mùa Đông bắc kéo từ cao áp Sybia vào đã làm cho nhiệt độ của vùng nhanh chóng giảm xuống. Thời kỳ đầu, gió mùa Đông Bắc gây mưa lớn, tạo ra lũ lụt các tháng 10, 11, về sau lại gây ra mưa phùn và giá rét. Rét nhất là tháng Chạp (tháng 12) và tháng Giêng (tháng 1), nhiệt độ có khi xuống dưới 100 C ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gia súc và hoạt động sản xuất.
Sơn Châu có cảnh quan thật đẹp, có núi, có sông, có đập, có đường thủy, có đường quốc lộ 8A, 8B đi qua thật thuận tiện trong giao thương, buôn bán, tạo điều kiện cho địa phương phát triển, người dân nơi đây rất đỗi tự hào:
"Quê hương tôi có núi Nầm sông Phố
Năm bốn mùa gió hát thông reo
Cầu in suối nước trong veo
Sông ôm lấy núi núi chiều lòng sông"
II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH DÂN CƯ, LÀNG XÓM VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ
1. Sự hình thành dân cư và làng xóm
Xã Sơn Châu trước Cách mạng tháng Tám có tên gọi là làng Lạc Phố thuộc tổng Đậu Xá, huyện Hương Sơn rồi phát triển thành 3 làng: Tứ Mỹ, Đông Tràng, Đông Trung, hệ thống tổ chức làng xã này các triều đại phong kiến từ thời Trần Thái Tông (1225-1258) rồi đến Trần Thuận Tông (1338-1397) đề ra nhưng phải bãi bỏ vì không thực hiện nổi. Đến đời Lê Khánh Tông đã cải tổ nhưng rồi cũng bị thất bại. Đến thời Pháp thuộc (1904-1921) đã cải tổ lại bộ máy gọi là chính sách cải lương hương chính nhưng rồi cũng thất bại. Đến năm 1927, chính quyền thực dân Pháp ban bố một nghị định có chiếu cố nới rộng hơn về cơ cấu cổ truyền nhưng mãi đến năm 1941 mới thực sự có hiệu lực như sau này.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, hợp nhất 3 làng thành xã Đông Mỹ. Năm 1950, xã Đông Mỹ sáp nhập với xã Bình Dương lấy tên là xã Bình Mỹ. Năm 1954, xã Bình Mỹ tách ra thành 3 xã: Sơn Châu, Sơn Hà, Sơn Bình. Trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách thôn xóm, ngày nay, xã Sơn Châu gồm 7 thôn: Đình, Yên Thịnh, Tháp Sơn, Đông, Nam Đoài, Sinh Cờ, Bãi Trạm.
Dân số xã Sơn Châu trước cách mạng khoảng 1.000 người, tập trung ở hai bên đường 8[1], nay dân số có 3.199 người, trong đó có 1.018 người theo Thiên chúa giáo (chiếm 1/3 dân số toàn xã). Xã Sơn Châu có trên 20 dòng họ hiện đang sinh sống, trong số đó có 14 họ trần. Được biết, sau khi công thần Trần Nguyên Hãn bị vua Lê nghi ngờ và bị hại, con cháu ông là Trần Nhân An, từ phủ Tam Đái (nay là Vĩnh Tường, Vĩnh Yên) dạt vào xứ Nghệ, lên lập ấp Lạc Phố, trở thành tổ chi họ Trần ở đây. Hiện nay, họ Trần Nho Lâm ở Sơn Châu đang có số lượng lớn nhất, gần 300 đinh, năm 2011, nhà thờ được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Dòng họ võ thần của các Quận công Văn Đình Nhiệm, Văn Đình Dận, Văn Đình Úc... không rõ gốc từ đâu về Lạc Phố sinh cơ, lập nghiệp, ngoài ra còn có các họ như họ: Văn Đình, Văn Đinh, Đinh Nho, Nguyễn, Lê, Phan,… có họ có trên 100 đinh nhưng cũng có họ chỉ có dăm bảy đinh.
2. Đặc điểm về kinh tế
Sơn Châu xưa có nghề ép mật mía có nhiều hộ làm ở Tứ Mỹ, Đông Trung. Nghề ép mật mía thường gọi là “nghề che chảo” (che là dụng cụ để ép mía, chảo là dụng cụ để nấu thành mật) là một nghề thời vụ, làm nhiều vào vụ thu hoạch mía. Mật chế biến xong cất trữ bán quanh năm nhưng tiêu thụ nhiều nhất là vào dịp gần Tết Nguyên đán. Tuy là nghề thời vụ, nhưng không phải ai cũng làm được vì nghề này đòi hỏi phải có nhiều vốn. Vốn mua che, mua chảo, mua trâu, bò kéo che, mua mía nguyên liệu.... Ngày nay, “nghề che chảo” không còn nữa, nhưng một thời nhề này đã góp phần đắc lực vào nền kinh tế tự cấp, tự túc của địa phương thêm phần phong phú.
Ngày nay, kinh tế Sơn Châu khá đa dạng, có nghề nông, nghề trồng rừng, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Hàng năm, Sơn Châu gieo cấy khoảng 110 ha lúa, trồng rau màu các loại 60 ha, chủ yếu là lạc, đậu, ngô và các loại rau, củ. Ngành chăn nuôi là mũi nhọn kinh tế của địa phương. Vật nuôi chủ yếu: trâu, bò, lợn, hươu,... Xã có 86,6 ha rừng trồng, giao cho các hộ dân quản lý, chủ yếu là trồng thông, keo lai.
Nghề thủ công có làm nón, kéo che, trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa (các nghề ngày nay không còn), còn các nghề: mộc, nề, xẻ gỗ hiện nay vẫn được duy trì và phát triển tốt. Hợp tác xã Chợ Nầm là vùng giao thương buôn bán sầm uất của các xã vùng hạ Hương Sơn, thương nghiệp dịch vụ khá phát triển. Toàn xã có 245 ki ốt buôn bán tổng hợp. Hàng hóa chủ yếu là nông sản, thực phẩm, nguyên vật liệu xây dựng và các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống của nhân dân.
3. Truyền thống lịch sử - văn hóa
3.1. Các di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng
Trải qua hàng thế kỷ với nền sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, những người con Sơn Châu đã đấu tranh với thiên nhiên để phát triển sản xuất; đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc; đấu tranh chống áp bức bóc lột của giai cấp địa chủ, cường hào phong kiến để giành lấy cuộc sống, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, nhân dân Sơn Châu đã sáng tạo nên nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, tạo dựng được một số di tích lịch sử văn hóa, tiêu biểu như:
- Chùa Chọ - chùa thờ Phật. Năm 1953, chùa được sử dụng làm nơi sản xuất vũ khí, là phân xưởng của xưởng Hà Huy Tập, những năm đánh Mỹ bị bom Mỹ tàn phá.
- Đền Cả và Đền Mới. Đền Cả thờ cụ Trần Cao Lạng, cụ sinh năm 1798, tư chất là người cương trực, làm được việc cho dân nên được triều đình phong làm Tri Phủ Đoan Hùng (Phú Thọ). Cụ bị bọn thổ phỉ sát hại khi thành Đoan Hùng bị thất thủ. Thương tiếc và khâm phục khí tiết của cụ, nhà vua đã ra lệnh cho quan lại cấp dưới tổ chức khâm liệm và đưa quan tài về chôn cất ở đấy. Đền cũng đã bị bom Mỹ phá hoại cùng với Chùa Chọ. Còn Đền Mới thờ cụ Trần Xuân Hòa, cụ sinh năm 1788 đậu cống cử thời vua Minh Mạng được làm Tri Phủ vào năm 1848, tính tình cương trực không chịu luồn cúi nên làm được mấy năm thì bị trục xuất. Đến đời vua Thiệu Trị thứ 17 vua phong sắc thần “Lạc Khê Phúc Thần” và phục chức cho cụ nhưng cụ quyết từ quan về quê dạy học và giúp dân làng mở rộng diện tích đất trồng, tổ chức lại sản xuất, ổn định cuộc sống. Với công lao to lớn của cụ đối với dân làng cho nên làng đã lập đền thờ cụ tại Rú Cụp gọi là Đền Mới.
- Đình làng Tứ Mỹ - Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Đình được xây dựng từ năm 1912 ở làng Tứ Mỹ, xưa thuộc làng Lạc Phố của tổng Đậu Xá (nay là xã Sơn Châu). Đến nay, đình còn giữ được nguyên trạng. Toàn bộ công trình gồm đình, sân đình, nhà bếp, nhà kho, tường bao, cổng chính và cổng phụ trong khuôn viên rộng 3000m2. Đình là một nhà tứ trụ 5 gian kiên cố bằng gỗ mít, lợp ngói, được bố trí dọc ở chính giữa khuôn viên. Phía trong cùng đình xây tường bít đốc. Hai bên là tường dắt vòng ra phía cửa trước, nền nhà cao 1,2 m, rộng 65m2, có 5 bậc lên xuống.
Sân đình lát gạch đỏ Cẩm Trang. Cổng chính mở ra con đường làng chạy thẳng từ đường 8B vào. Cũng như mọi đình làng khác, đình Tứ Mỹ ngày trước là nơi tế lễ, nơi hội họp của hào mục trong làng.
Làng Tứ Mỹ có truyền thống yêu nước và cách mạng lâu đời. Năm 1927-1928 đã có cơ sở đảng Tân Việt. Tháng 4-1930, chi bộ Đảng Cộng Sản Tứ Mỹ ra đời, rồi các tổ chức tự vệ đỏ, nông hội đỏ, cứu tế đỏ... được thành lập. Đình làng Tứ Mỹ là nơi hội họp, biểu tình tranh đấu không những của nhân dân Tứ Mỹ mà còn là của dân cả tổng Đậu Xá và vùng hạ Hương Sơn. Có ba sự kiện đánh dấu son ở đình làng Tứ Mỹ:
Một là, Chi bộ Cộng Sản Tứ Mỹ tập trung dân tại Đình, kéo đi tham gia cuộc biểu tình toàn huyện hưởng ứng cuộc tranh đấu của công nhân nhà máy Trường Thi, Thị xã Vinh ngày 27 tháng 7 năm Canh Ngọ (19-9-1930).
Hai là, cuộc tập trung biểu tình đi phá huyện đường ngày 22-9-1930. Cuộc đấu tranh này hết sức quyết liệt, bị địch khủng bố tàn bạo, 8 người hy sinh tại chỗ và 20 người về qua sông bị nước cuốn trôi.
Ba là, cuộc đấu tranh chống xây đồn Rú Đá.
Sau hai cuộc biểu tình trên, địch tăng cường đàn áp. Chúng định xây đồn Rú Đá ở làng Tứ Mỹ, nơi mà chúng cho là cái nôi của Cộng Sản Hương Sơn. Chi bộ Đảng Tứ Mỹ đã lãnh đạo nhân dân chống lại viên đồn trưởng Phố Châu đưa lính về, bắt lý trưởng đánh mõ tập trung dân làng để nghe hiểu dụ, bắt đóng vật liệu và công của xây đồn. Dân đồng thanh phản đối, hô to: “Cả làng không đi làm, không nạp tranh tre”. Cuộc đấu tranh biến thành cuộc biểu tình biểu dương lực lượng ngăn cản các hành động bắt bớ, đốt phá của địch... Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đình Tứ Mỹ là nơi hội họp của nhân dân, đưa tiễn con em đi bộ đội, dân công. Năm 1955-1956, Đình là nơi đặt lớp học - lớp đệ tứ niên của Trường trung học dân lập Hương Sơn - ngôi trường trung học đầu tiên của Hương Sơn.
Cái mõ của Đình vừa to vừa kêu, chứng tích lịch sử vô cùng quý giá đang được lưu giữ tại Bảo tàng Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Năm 1990, Đình Tứ Mỹ được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
- Nhà thờ Thiên chúa giáo: Sơn Châu có 1.018 người theo đạo Thiên chúa giáo, có 2 nhà thờ giáo họ (Đông Trung và Tứ Mỹ) và nhà thờ xứ Đông Tràng (1868) là giáo xứ có lịch sử lâu đời trong giáo phận Vinh. Suốt trong quá trình lịch sử, đại bộ phận bà con theo đạo là những công dân tốt “kính Chúa, yêu nước”, “sống tốt đời, đẹp đạo”, ủng hộ và tham gia công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày nay, bà con vẫn đang tích cực tham gia góp sức xây dựng quê hương, đất nước.
3. 2. Truyền thống hiếu học
Sơn Châu là vùng đất có truyền thống học hành khoa cử “Thượng Văn, thượng Võ”. Từ xưa, tuy không có các trường học chữ Hán, nhưng các thầy đồ đã mở lớp dạy tư tại nhà, như: cụ Hàn Y (Tứ Mỹ), cụ Học Vận, thầy Hương Tuấn, cố Hàn Liêu, cụ Văn Đình (Đông Tràng), cụ Hàn Phương (Đông Trung). Về khoa cử: Đời Lê, có các Tạo sĩ Văn Đình Dận, Văn Đình Lượng, Văn Đình Cung. Theo gia phả họ Văn Đình (làng Đông Tràng) họ này còn có các Tạo sỹ” [2]: Văn Đình Nhậm (1670) làm quân quận Hải Dương; Văn Đình Dậu đậu tạo sỹ 1724; Văn Đình Úc (1720 -?). Đời Nguyễn có các Cử nhân Lê Hữu Tuệ, Vũ Khắc Bằng, Trần Văn Hương, Trần Xuân Hoà (làm Tri phủ Quảng Trạch, Quảng Bình), Trần Cao Lạng (làm Tri phủ Đoan Hùng), Trần Cao Thức.
Thời thuộc Pháp có Trần Cao Thanh tốt nghiệp trường Luật tại Pháp, năm 1954 được cử làm thẩm phán Tòa án tỉnh; Tú tài Tây có thầy Trần Quốc Nghệ (thầy Trần Quốc Nghệ là một người văn võ toàn tài và đức độ. Xuất thân từ một gia đình nhà Nho hiếu học. Thầy học từ cấp I đến tú tài tại Trường Khải Định (sau này là Quốc học Huế). Trong thời gian này, thầy vừa học văn vừa học võ (đoạt chức vô địch quyền Anh hạng lông của Trung kỳ). Thầy đã dạy học ở nhiều nơi, trong đó có Trường Phổ thông cấp 3 Vinh và Trường Phổ thông cấp 3 Phan Đình Phùng - Hà Tĩnh (trong những năm 60, 70 của thế kỷ XX). Ngoài những kiến thức học được ở trường, thầy là một tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự bồi dưỡng. Vì vậy, thầy có được một kiến thức rất uyên bác về văn học, sử học Việt Nam và Văn học phương Tây, đặc biệt là văn học Pháp. Thầy cũng rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh và biết tiếng Hán, tiếng Bồ Đào Nha…, chủ yếu do tự học nhờ một trí nhớ tuyệt vời. Số học trò được thầy dạy có thể tính tới hàng ngàn, trong đó có nhiều người sau này nổi tiếng trong giới khoa học và các lĩnh vực khác như: GS Phan Huy Lê, GS. NGND Hà Văn Tấn, GS.TSKH Phan Đình Diệu, GS.TS Hà Học Trạc, GS.TS Phan Hữu Dật, Nhà nghiên cứu Hà Xuân Trường, GS Lê Xuân Tùng (nguyên UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội), GS.TS Chương Thâu,…). Ngoài ra, trong thời kỳ này còn có 15 người đỗ tiểu học.
Từ đầu thế kỷ XX cho đến năm 1945, Sơn Châu là nơi có truyền thống giáo dục, trường Sơ học Đậu Mân (làng Đông Tràng) là một trong 5 trường Sơ học (Élementaire) của Hương Sơn, nơi đào tạo nhiều thế hệ trí thức quê hương.
Năm 1945, thành lập trường cấp 1, có 4 lớp, có từ 100-120 học sinh theo học. Đến năm 1956 có 8 lớp cấp 1 số lượng có khoảng 300 em. Từ năm 1947-1949 trường cấp 2 của huyện mở tại Sơn Châu, xã có khoảng 30 học sinh theo học.
Đến nay, Sơn Châu đã có đầy đủ các cấp học, trường lớp được xây dựng khang trang, trang thiết bị dạy và học đạt chuẩn quốc gia. Hàng năm có hơn 800 học sinh theo học các cấp, có hằng trăm người có trình độ đại học trở lên, nhiều người con của Sơn Châu có học vấn, đức độ và tài năng đã tham gia trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, ngoại giao, quân sự, văn hóa... có hàng trăm người tốt nghiệp đại học, kỹ sư, bác sỹ đang công tác ở khắp mọi miền của đất nước.
Xã Lạc Phố xưa (Sơn Châu nay) có các vị cử nhân đời Nguyễn như: Lê Hữu Tuệ, đỗ Cử nhân khoa Kỷ Mão, năm Gia Long thứ 18 (1819); Văn Khắc Bằng, đỗ Cử nhân Ân khoa Nhâm Tý, năm Tự Đức thứ 5 (1852), làm Giáo thụ; Trần Cao Thức (Ông là thân sinh nhà giáo Trần Quốc Nghệ) - đỗ Cử nhân khoa Kỷ Dậu năm Duy Tân thứ 3 (1909) làm Giáo thụ, Hồng Lô Tự khanh, về hưu.
Ngày nay, con em xã Sơn Châu có rất nhiều người là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ như: Văn Đình An - nguyên là TS ngành điện, công tác tại Viện nghiên cứu Bảo hộ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; NGƯT, PGS.TS Văn Đình Đệ, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi học Đại học Sofia, Bulagari, được cấp bằng Tiến sĩ Hóa hữu cơ, xúc tác hữu cơ, nguyên Phó trưởng phòng khoa học, Trường Đại học Bách khoa, Hà Nội; PGS.TS Văn Thị Kim Cúc, bà được đào tạo tại Đại học Tổng hợp Toulouse II (Pháp), được cấp bằng Tiến sĩ Tâm lý học, Phó Viện trưởng Viện tâm lý học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, hiện nay là Giám đốc Trung tâm tư vấn Tâm lý - Giáo dục Ngàn Phố, được phong Phó Giáo sư năm 2006; TS Trần Bạch Giang, ông tốt nghiệp ngành Đo đạc Bản đồ, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường; NGƯT.PGS.TS Trần Ninh - chuyên ngành Sinh học, Phó chủ nhiệm bộ môn Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội; NGND.GS TSKH Nguyễn Văn Trị - Giảng viên khoa Vật lý, Trưởng phòng thí nghiệm và Bộ môn Cộng hưởng từ và Kỹ thuật Phổ vô tuyến điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội; PGS.TS Văn Đình Sơn Thọ - Giảng viên Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội; TS Văn Lan Anh; TS Văn Xuân Thanh…
[1] Nay là đường tránh lũ 8B
[2] Tạo sĩ là học vị cao nhất về Võ khoa đời xưa.