Đình làng Tứ Mỹ thuộc thôn Tứ Mỹ, tổng Đậu Xá, nay là xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, cách thành phố Vinh khoảng 50km về phía Nam. Từ Vinh, theo đường quốc lộ 1A đến thị xã Hồng Lĩnh rẽ đường quốc lộ 8 đến cột mốc 38 đi vào 100m là đến di tích.

Trong những năm 1927-1929, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Tân Việt, nhân dân tổng Đậu Xá đã đoàn kết chống lại bọn hương hào, lý trưởng, buộc chúng phải giảm tế lễ, ma chay, biếu xén và sửa sang đường sá cho dân.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), Tứ Mỹ nói riêng và tổng Đậu Xá nói chung là nơi gieo hạt nảy mầm đầu tiên của cách mạng Hương Sơn. Tháng 6-1930, chi bộ Đảng Tứ Mỹ được thành lập do đồng chí Trần Bình làm Bí thư. Các tổ chức Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ, Tự vệ đỏ …nhanh chóng được thành lập. Những tin tức về phong trào đấu tranh của nhân dân toàn tỉnh đã lan nhanh đến Tứ Mỹ, kích thích và cổ vũ phong trào cách mạng nơi đây phát triển. Đình làng Tứ Mỹ từ trước tới nay là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, các buổi tế lễ, đình đám, nơi tập trung dân làng mỗi khi có lệnh quan trên. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, đình làng Tứ Mỹ đã trở thành nơi tập trung đi biểu tình, tranh đấu của nhân dân Tứ Mỹ, Đậu Xá và một phần miền Hạ Hương Sơn, mà tiêu biểu là ba sự kiện lớn:

Trước hết, đó là cuộc tập trung nhân dân đi biểu tình, đốt phá nhà Án sát ở Sơn Hòa ngày 19-9-1930.
Đúng 1 giờ sáng hôm đó, tiếng mõ đình làng Tứ Mỹ vang lên làm hiệu, tức khắc tiếng trống, chiêng các làng, xã lân cận cũng hưởng ứng. Từ khắp các lối xóm, quần chúng kéo về tập trung tại đình Tứ Mỹ với giáo , mác, gậy, đòn gánh, cuốc, cào trong tay. Đây là điểm tập trung của 700 nhân dân tổng Đậu Xá và các làng ở Sơn Long, Sơn Trà, Sơn Bình. Đến 4 giờ sáng, từ sân đình Tứ Mỹ, đoàn người rầm rập kéo sang tập trung ở đền Võ Dương (xã Sơn Ninh). Sau khi nghe cán bộ huyện nói chuyện, truyền đạt khẩu hiệu, phát truyền đơn, đoàn biểu tình kéo về trường Thịnh Xá (xã Sơn Thịnh). Đoàn người từ đền Võ Dương nhập cùng đoàn biểu tình từ Choi (Sơn Hà) cùng kéo về Bãi Gôi. Khoảng 7 giờ sáng, từ Bãi Gôi, đoàn biểu tình tiếp tục kéo về làng Gôi Mỹ ( Sơn Hoà). Trong chốc lát, ngọn lửa từ nhà Án sát đã bốc cao, thiêu cháy toàn bộ dinh cơ tài sản.

Đình làng Tứ Mỹ là nơi tập trung nhân dân đi biểu tình, phá huyện đường ngày 22/9/1930.
Cuộc biểu tình ngày 19-9 giành được thắng lợi, Huyện ủy Hương Sơn quyết định đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng lên một bước lớn hơn. Ban vận động Huyện ủy quyết định chọn ngày 22-9 để tổ chức biểu tình toàn huyện lên Phố Châu đưa yêu sách. Đêm 21-9, ở tổng Đậu Xá, chi bộ Tứ Mỹ, Đông Tràng và Đông Trung đã tổ chức cuộc họp bàn kế hoạch tập trung quần chúng đi phá huyện đường. Mỗi đồng chí đảng viên được giao phụ trách một tổ dân. Đồng chí Đinh Linh- đảng viên chi bộ Tữ Mỹ được cử đi treo cờ ở Rú Nầm, sau đó về đình làng Tứ Mỹ đánh mõ. Giữa đêm khuya, tiếng mõ ở đình làng nổi lên liên hồi, thúc dục, cổ vũ quần chúng chuẩn bị cơm nước và các thứ khí giới để ngày mai đi biểu tình. Rạng sáng ngày 22, 2000 nhân dân Tứ Mỹ, Đông Trung, Đông Tràng và các xã lân cận đã lũ lượt kéo về đình làng Tứ Mỹ. Sân đình hôm đó đông kín người. Từ đây, quần chúng kéo đến địa điểm tập trung của toàn huyện tại Cầu Nầm.

Sau khi tập trung ở Cầu Nầm nghe cán bộ nói chuyện, đoàn người xếp hàng 5 hàng 7 dương cao cờ đỏ, hô vang khẩu hiệu: đả đảo đế quốc Pháp, Nam triều quan lại, giảm thuế thân, thuế ruộng, bãi bỏ thuế chợ thuế đò…, theo đường 8 tiến về huyện lỵ Phố Châu. Trước sức mạnh của đoàn biểu tình, tri huyện Đặng Văn Oánh bỏ trốn, quần chúng tràn vào đập phá huyện đường. Báo “ Tiếng vang An Nam” của Pháp tại Huế ngày 23- 9- 1930 đã đưa tin: “ Huyện lỵ Hương Sơn sáng hôm qua đã bị một đoàn dân thường chừng trên 2000 người xông vào. Khoảng 4 giờ sáng họ đã đến trước huyện lỵ, 3 lần họ tấn công, đột nhập chiếm huyện đường nhưng viên khố xanh ở Hà Tĩnh chỉ huy một bộ phận lính ở đây ra lệnh bắn. Lính khố xanh bắt buộc phải bắn vào đoàn bieer tình làm 7 người chết, 2 người bị thương”.Sau cuộc biểu tình này, bộ máy chính quyền địch từ huyện đến xã hầu như tan rã. Đình Tứ Mỹ trở thành nơi hội họp, sinh hoạt của dân làng.

Đình làng Tứ Mỹ là nơi đã chứng kiến cuộc đấu tranh quyết liệt của nhân dân toàn tổng chống lại việc xây đồn Rú Đá của kẻ thù vào giữa mùa thu năm 1930.
Sau hai cuộc đấu tranh lớn ở huyện Hương Sơn, kẻ địchđưa lính về xây đồn ở đầu làng Tứ Mỹ ( khu vực Rú Đá) nhằm kiểm soát và uy hiếp phong trào đấu tranh của nhân dân. Chúng bắt dân làng phải đóng góp vật liệu và công sức. Lập tức chi bộ Tứ Mỹ họp bàn kế hoạch đối phó. Khi nhận lệnh đến đình làng Tứ Mỹ tập trung nghe lý trưởng đọc quyết định xây đồn, toàn thể nhân dân đã phản đối kịch liệt, bọn chúng buộc phải im họng. Cùng lúc này, một toán lính Tây kéo về làng bắt người, cướp của, bất kể của dân thường hay hương lý địa phương. Chi bộ Tứ Mỹ lập kế hoạch phân tán, cất dấu tài sản cho dân, đồng thời phân công người đến từng nhà củng cố tinh thần, tránh địch nhưng không lẩn tránh đấu tranh. Nhân dân hết sức tin tưởng, bọn hương lý hào lý cũng đồng tình ủng hộ. Vì thế, lệnh xây đồn ở Tứ Mỹ cứ lần lừa không thực hiện được. Lính Tây sau một thời gian ngắn không vơ vét được gì cũng rút về Choi ở Sơn Hà.

Cuối tháng 8, tên đồn trưởng Phố Châu dẫn đầu một toán lính khố xanh kéo về Tứ Mỹ. Chúng bắt lý trưởng đánh mõ đình làng Tứ Mỹ tập trung dân để nghe lệnh. Sau khi nghe tên đồn trưởng ra lệnh xây đồn và dọa phạt, cả làng xông lên và thét lớn: “ không làm”. Một cuộc giằng co quyết liệt đã diễn ra cả trong đình, ngoài sân, giữa một bên là nhân dân tổng Đậu Xá với một bên là bọn lính khố xanh và bọn hào lý bị thúc ép. Cuối cùng chúng bất lực trước sức mạnh như sóng trào của nhân dân, phải trở về Phố Châu. Cuộc đấu tranh giáp mặt với kẻ thù của nhân dân toàn tổng Đậu Xá dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng chống lại việc xây đồn ở Tứ Mỹ đã hoàn toàn thắng lợi.

Đình làng Tứ Mỹ được xây dựng năm 1912. Đình có 5 gian, với kiến trúc đơn giản. Nguyên vật liệu xây đình là gạch, ngó, gỗ mít. Trong đình có 6 dãy cột, mỗi dãy 4 cột. Đường kính mỗi cột từ 200-220cm. Ở gian cuối cùng có mái hồi kê những bộ phản để đặt mâm cúng tế. Còn tất cả các gian khác đều dùng để ngồi tXuất bảnrong các cuộc họp làng, ma chay, đình đám. Đối diện với phía bệ thờ là cửa chính lên xuống (có 5 bậc). Phía trước mặt đình là một sân rộng, bằng phẳng.

Như vậy, đình làng Tứ Mỹ là nơi đã chứng kiến và diễn ra 3 cuộc biểu tình, đấu tranh của nhân dân Hương Sơn trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trước cách mạng tháng Tám, các đồng chí cán bộ đảng cũng đã mở lớp truyền bá quốc ngữ, đọc sách báo cách mạng cho quần chúng nhân dân. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Tứ Mỹ là nơi tập trung con em Đậu Xá lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Với giá trị lịch sử đó, năm 1990, đình làng Tứ Mỹ đã được Bộ Văn Hóa công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia.

Cổng thông tin điện tử xã


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    ISO
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 201.497
    Online: 6