HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM THÀNH LẬP XÃ SƠN CHÂU (1954 - 2024)

        Sơn Châu là xã thuộc vùng hạ của huyện Hương Sơn, cách trung tâm huyện 10 km về phía Đông Bắc. Phía Đông giáp xã Tân Mỹ Hà, phía Nam giáp xã Sơn Bình, phía Tây giáp xã Kim Hoa, phía Bắc giáp xã Sơn Ninh. Tổng diện tích tự nhiên 497,97 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 361,87 ha, đất lâm nghiệp 86,6 ha, đất thủy sản 12 ha, đất phi nông nghiệp khoảng 100 ha.

            Sơn Châu thuộc vùng bán sơn địa, phía Tây có núi Vằng chạy từ Nầm đến giáp xã Sơn Bình phân cách xã Sơn Châu với xã Kim Hoa. Hệ đồi núi bắt đầu từ dãy núi Vi Kỳ, người dân địa phương gọi là núi Sinh Cờ. Núi này có các ngọn rú Am, rú Đá, rú Cụp. Rú Đá ở mé sông, tương truyền là nơi quân vua Lê dựng cờ khởi nghĩa. Vì vậy mà núi Sinh Cờ được gọi là núi Phù Lê. Phía Nam, giáp xã Sơn Bình có các núi Cồn Gát (trong kháng chiến là nơi đặt kho lương thực của huyện). Rú Trại là nơi đặt Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Nầm.

              Sông Ngàn Phố chảy qua địa bàn xã dài khoảng 4 km, là ranh giới phía Bắc của xã với Sơn Ninh. Đê Tân Long dài gần 3 km được kè đá và bê tông hóa bảo vệ an toàn cho bà con trong đê khi mùa mưa lũ về. Vùng bãi bồi bên bờ sông rộng 40 ha là phù sa sông Ngàn Phố bồi đắp, phù hợp để trồng rau màu, đậu, lạc, ngô (trước đây trồng dâu nuôi tằm và mía).

            Về giao thông, Sơn Châu có 2 tuyến đường huyết mạch đi qua, đó là Quốc lộ 8A dài 3 km và quốc lộ 8B (hay còn gọi là đường tránh lũ) dài 4 km, cùng hệ thống đường liên xã, liên thôn dài 6 km được bê tông và thảm nhựa rất thuận lợi cho nhân dân đi lại.

          Trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách thôn xóm, ngày nay, xã Sơn Châu gồm 7 thôn: Nam Đoài, thôn Đông, Yên Thịnh, thôn Đình, Tháp Sơn, Sinh Cờ và Bãi Trạm. Dân số có 3.152 người, trong đó có hơn 1.000 bà con theo đạo Công giáo đang sinh hoạt tín ngưỡng tại nhà thờ giáo xứ Đông Tràng và nhà thờ giáo họ Tứ Mỹ. Xã Sơn Châu có trên 20 dòng họ hiện đang sinh sống, trong đó, họ Trần Nho Lâm có số lượng lớn nhất với hơn 300 đinh, năm 2011, nhà thờ được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

             Nói đến Sơn Châu thì không thể không nhắc đến Đình Tứ Mỹ. Đình được xây dựng từ năm 1912 ở làng Tứ Mỹ. Những năm trước, công trình gồm đình, sân đình, nhà bếp, nhà kho, tường bao, cổng chính và cổng phụ trong khuôn viên rộng 3.000 m2. Tháng 4-1930, chi bộ Đảng Cộng sản Tứ Mỹ ra đời, rồi các tổ chức tự vệ đỏ, nông hội đỏ, cứu tế đỏ... được thành lập. Đình làng Tứ Mỹ là nơi hội họp, biểu tình tranh đấu không những của nhân dân Tứ Mỹ mà còn là của dân cả tổng Đậu Xá và vùng hạ Hương Sơn. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đình Tứ Mỹ là nơi hội họp của nhân dân, đưa tiễn con em đi bộ đội, dân công. Năm 1955-1956, Đình là nơi đặt lớp học - lớp đệ tứ niên của Trường trung học dân lập Hương Sơn - ngôi trường trung học đầu tiên của Hương Sơn. Năm 1990, Đình Tứ Mỹ được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

            Trải qua những tháng năm lịch sử, từ bao đời nay Sơn Châu luôn hoà cùng dòng chảy dân tộc: Khai điền lập làng, chiến đấu bảo vệ, xây dựng và phát triển. Ở mỗi thời kỳ lịch sử đều tạo được nét riêng biệt của làng quê mình và góp phần tạo ra những giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là miền quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng./

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA ĐỊA PHƯƠNG

                                                            BAN TUYÊN TRUYỀN

                                        KỶ NIỆM 70 NĂM THÀNH LẬP XÃ SƠN CHÂU


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    ISO
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 234.867
    Online: 44