Thực hiện Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và triển khai thực hiện khá hiệu quả công tác chuyển đổi số trên địa bàn.

Đội ngũ cán bộ công chức tận tình hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính

 

Nếu như trước đây, vào những ngày đầu tuần, tại bộ phận tiếp nhận & trả kết quả từ xã Sơn Châu luôn có đông người dân đến giao dịch các thủ tục hành chính, thì nay thay vào đó con số đã giảm hơn rất nhiều.

100% cán bộ công chức làm công tác tiếp nhận hồ sơ thủ tục đều sử dụng thành thạo máy vi tính, thực hiện tốt các thủ tục hành chính trên hệ thống nền tảng số; 97% cán bộ công chức cấp xã xử lý hồ sơ công việc qua hệ thống mạng; 83% cán bộ công chức kích hoạt chữ ký số...Do đó, 100% văn bản của địa phương ban hành đều sử dụng chữ ký số; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy định. Chị Lê Thị Thúy- công chức văn hóa, xã hội cho biết: "Ban đầu thực hiện chuyển đổi số chúng tôi cũng còn nhiều bỡ ngỡ, nhất là việc xử lý các hồ sơ, thủ tục qua phần mềm máy tính. Tuy nhiên sau khi được tập huấn, bản thân cũng nỗ lực tự học nên nghiệp vụ khá hơn trước. Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương cũng đã đầu tư máy móc đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi phục vụ nhân dân tốt hơn"

Xác định yếu tố con người là trung tâm để thực hiện thành công trong chuyển đổi số, xã Sơn Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến tận cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. UBND xã cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền về chuyển đổi số thông qua Trang thông tin điện tử xã, hệ thống truyền thanh cơ sở và Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn. Địa phương cũng đã tổ chức thành công ngày hội chuyển đổi số, thu hút sự quan tâm, tham gia của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về chuyển đổi số đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Sau một thời gian tham gia vào quá trình chuyển đổi số, nhận thức người dân đã được nâng lên, họ nhận thấy tầm quan trọng, những lợi ích thiết thực nên đã ứng dụng chuyển đổi số vào cuộc sống. Bà Lê Thị Ly - người dân thôn Tháp Sơn phấn khởi chia sẻ: "Hiện nay tôi thấy việc giao dịch mua bán hay là làm các hồ sơ, thủ tục đều vô cùng thuận lợi. Nhất là các dịch vụ liên quan đến trả chế độ, chính sách, rồi thanh toán, trả tiền điện, tiền nước... đều chỉ cần dùng điện thoại với vài thao tác là xong.... Cái này tôi thấy có nhiều cái lợi: Lợi thứ nhất là thuận tiện, nhanh gọn, thời gian giảm được nhiều, cái thứ 2 là giao dịch ở mọi lúc, mọi nơi, không cần phải đến trực tiếp vẫn có thể làm được; cái nữa là hạn chế thấp nhất sai sót trong giao dịch....Như gia đình tôi hầu như các hoạt động giao dịch, mua bán đều sử dụng công nghệ số cả"

Cơ sở vật chất Bộ phận giao dịch và trả kết quả xã Sơn Châu được đầu tư khá đầy đủ, đảm bảo phục vụ nhân dân đến giao dịch

 

Bên cạnh đó, xã đã đầu tư lắp đặt hệ thống mạng wifi tại 4 điểm nhà văn hóa; lắp thêm 1 cụm internet tại trụ sở xã; trang bị thêm các bộ máy vi tính; hệ thống truyền thanh thông minh; lắp đặt 14 camera an ninh... trị giá hàng trăm triệu đồng.

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số cũng đã gặp không ít khó khăn do cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ số thiếu đồng bộ; đội ngũ cán bộ công chức chưa am hiểu về chuyển đổi số và kỹ năng, nghiệp vụ công nghệ thông tin còn hạn chế; phần lớn người dân chưa hiểu về chuyển đổi số, các doanh nghiệp cũng thiếu sự quan tâm về chuyển đổi số...

Để công tác chuyển đổi số đi vào cuộc sống, địa phương đã có nhiều giải pháp, ông Hồ Phạm Tuân - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Chúng tôi đã làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số; tạo điều kiện để dội ngũ cán bộ công chức, cán bộ cốt cán thôn, xóm, tổ chuyển đổi số cộng đồng tập huấn, học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ; đồng thời, đầu tư nâng cấp máy móc, thiết bị, hệ thống đường truyền internet, đặc biệt là thành lập các tổ chuyển đổi số cộng đồng... từ đó, công tác chuyển đổi số đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương".

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của nhân dân, trong năm 2023, địa phương có 429 hồ sơ giao dịch trực tuyến, tỷ lệ xử lý đúng hạn đạt 100%. Kết quả này đã góp phần vào việc giảm thiểu tình trạng chậm trễ hồ sơ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch, nhất là đối với những lĩnh vực quan trọng, giúp chính quyền kiểm soát tốt các nguồn thu từ ngân sách như: phí, lệ phí trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    ISO
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 245.494
    Online: 3