Tiếp theo phần 1 - Khái niệm “Chính phủ số” trong mối tương quan với khái niệm “Chính phủ điện tử”, bài viết sẽ tiếp tục với phần 2 - Nhận định về mối liên hệ giữa 2 khái niệm, kinh nghiệm thực tế triển khai Chính phủ số tại một số nước phát triển và đề xuất cho Việt Nam.

Về mối liên hệ giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số
Như đã trình bày tại phần 1 của bài viết, với Chính phủ điện tử, các giá trị mang lại tập trung chủ yếu vào việc tuân thủ theo các quy trình có sẵn, dịch vụ được cung cấp một cách bị động dựa trên nền tảng công nghệ thông tin truyền thống, đối tượng được phục vụ chủ chốt là Chính phủ và được đánh giá bằng số lượng dịch vụ được cung cấp trực tuyến. Chính phủ số hỗ trợ cải cách hành chính chuyển từ quản lý sang dịch vụ và phù hợp với các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam như Đề án tri thức Việt số hoá nhấn mạnh sự tham gia đóng góp cộng đồng (crowdsourcing) từ doanh nghiệp và cá nhân, giống như mô hình của Wikipedia – Bách khoa toàn thư mở lớn và phổ biến nhất thế giới.

Chính phủ số và Chính phủ điện tử dựa trên nền tảng hạ tầng phần cứng giống nhau, chỉ khác về phần mềm và dữ liệu, đây là thế mạnh của Việt Nam và không đòi hỏi đầu tư lớn hơn.

Chính phủ số (mức độ 4 theo mô hình của Gartner), tập trung vào việc cải cách và chuyển đổi mô hình dựa trên thông tin trong đó các dịch vụ công được gắn kết chặt chẽ vào các tác vụ hằng ngày của công dân dựa trên nền tảng vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT) phục vụ cho việc tăng cường gắn kết giữa Chính phủ và người dân, được thực hiện trên nền tảng xử lý thông tin và hiệu quả được đánh giá bằng số lượng dịch vụ được tạo mới, loại bỏ hoặc thay thế bằng hình thức tốt hơn. Chính phủ số tập trung vào chia sẻ khai thác dữ liệu để phục vục người dùng tốt hơn, trong đó sẽ chủ động phục vụ công dân, doanh nghiệp theo nhu cầu của họ (từ một cửa thành không cửa), phục vụ công chức và nhà quản lý tốt hơn dựa trên kinh doanh thông minh (BI) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Quan hệ giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số theo OECD được nêu tại Bảng 1 bên dưới.
 

 

Tin học hóa

Chính phủ điện tử

Chính phủ số

 

Công nghệ thông tin và truyền thông

Lộ trình
chuyển đổi

Sử dụng nhiều hơn công nghệ số để cải tiến các hoạt động xuyên chính phủ và quản lý thông tin/dữ liệu

Chính phủ sử dụng các công nghệ thông tin – truyền thông, đặc biệt là Internet, để tăng cường hiệu quả

Công nghệ số được lồng ghép với ưu tiên của người dùng khi thiết kế và sử dụng dịch vụ và cải tổ toàn diện khu vực công – đây là phần thiết yếu trong các chiến lược hiện đại hóa chính phủ, để tạo ra các giá trị công

Tập trung vào hiệu quả và hiệu suất

Tập trung vào hiệu quả và hiệu suất khi cung cấp các dịch vụ tùy biến (may đo) theo ý người dùng

Tập trung vào: điều hành chính quyền, tính công khai, tính minh bạch, sự đồng hành và tin tưởng vào chính phủ, và cuối cùng là hiệu quả và hiệu suất

 

Các dịch vụ công

Các dịch vụ hành chính: chức năng lõi nội bộ của Chính phủ và hoạt động nội bộ của các cơ quan trực tiếp hỗ trợ cung cấp dịch vụ

- Cải tiến các quy trình nội bộ của Chính phủ
- Cải tiến các quy trình nội bộ hỗ trợ cung cấp dịch vụ cá nhân trực tiếp, cải thiện dịch vụ

- Đổi mới sáng tạo trong các quy trình nội bộ
- Đổi mới trong cung cấp dịch vụ, và tư duy về bước đi kế tiếp
 

- Chuyển đổi các quy trình nội bộ
- Chuyển đổi cách thiết kế và cung cấp dịch vụ

Dịch vụ cá nhân trực tiếp: các dịch vụ do Chính phủ cung cấp để giải quyết vấn đề an sinh cá nhân của người dân

- Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cá nhân
- Cung cấp dịch vụ được chuẩn hóa
- Dịch vụ được chuẩn hóa

- Tích hợp các CSDL và hệ thống thông tin
- Cộng tác
- Dịch vụ trực tuyến 24/7

- Chia sẻ dữ liệu: Đóng góp cộng đồng (crowdsourcing) về thông tin/dữ liệu và phân tích dữ liệu
- Hành chính liên thông: các nền tảng CNTT để chia sẻ thông tin, dịch vụ và tăng cường cộng tác
- Các dịch vụ sáng tạo được tùy biến (may đo) theo nhu cầu cá nhân và các dịch vụ phổ cập (ubiquitous service) của chính phủ di động (m-government)

Bảng 1: Quan hệ giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số theo OECD

 
Kinh nghiệm thực tế từ một số quốc gia trên thế giới
Đối với các nước Nhóm D5/D7
Năm 2014, Anh đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất của nhóm Chính phủ Số 5 (Digital 5, viết tắt là D5). Nhóm có 5 thành viên sáng lập: Anh, Hàn Quốc, Estonia, New Zealand và Israel. Liên minh các nước này được tổ chức theo cách y hệt như nhóm G7 và nhằm tăng cường cho nền kinh tế số. Điểm thống nhất của các thành viên D5 là nguyên tắc về tính mở: họ tập trung vào việc thay đổi thái độ các chính phủ của họ đối với công nghệ bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn mở và phần mềm nguồn mở cũng như làm cho Chính phủ số có hiệu quả hơn. 5 nước thành viên sáng lập đã ký một Điều lệ chung cam kết chia sẻ và cải thiện hoạt động của các nước thành viên trong các dịch vụ số và nền kinh tế số. Trong đó, họ tuyên bố mục tiêu chung là “khai thác sức mạnh toàn cầu tiềm năng của công nghệ số và giúp mỗi thành viên trở thành một Chính phủ số tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn thông qua chia sẻ và học tập lẫn nhau”.

Để đạt được điều này, họ có ý định xây dựng các kỹ năng số từ trong nội bộ và khuyến khích các hợp đồng ngắn hạn với các nhà cung cấp là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ năm 2018, nhóm đã được đổi tên thành Chính phủ Số 7 (D7) do kết nạp thêm 2 thành viên là Canada và Uruguay. Các thành viên sẽ tiếp tục tổ chức họp thường niên để tăng cường hiệu quả và tốc độ điều hành của Chính phủ số.

Đối với Đài Loan
Về lịch sử phát triển Chính phủ điện tử, Đài Loan đã trải qua 4 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 1998-2000, giai đoạn 2 từ năm 2001-2007, giai đoạn 3 từ năm 2008-2011, giai đoạn 4 từ năm 2012-2016, được minh họa và giải thích ở Hình 1 bên dưới.

Năm 2016, Đài Loan đã công bố chiến lược phát triển giai đoạn 5 từ 2017-2020, tập trung vào 4 chiến lược sau:
- Số hóa cơ sở hạ tầng thông tin;
- Đa dạng hóa mô hình chính quyền cộng tác;
- Tri thức hóa tính cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ, công nghiệp.
- Cá nhân hóa các dịch vụ số.

Các chiến lược của giai đoạn thứ năm này đều ứng dụng triệt để các tiến bộ và xu hướng công nghệ mới nhất hiện nay như mạng xã hội, điện toán di động, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, IoT, đồng thời tác động sâu rộng đến mọi tầng lớp chính quyền và người dân. Đây là lý do Đài Loan đang tập trung vào việc chuyển tiếp sang kỷ nguyên “Chính phủ số” thay cho khái niệm “Chính phủ điện tử” truyền thống.


 


Mô hình của Chính phủ số trong tương lai và Chính phủ điện tử hiện nay của Đài Loan đều hướng đến việc chuyển từ đổi mới các dịch vụ công sáng tạo ra giá trị công. Chính phủ điện tử và Chính phủ số giúp người dân truy cập thông tin do các cơ quan nhà nước cung cấp rất nhanh chóng, thuận tiện, đồng thời làm cho Chính phủ minh bạch và trách nhiệm hơn. Về mục tiêu, kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử cho Đài Loan giai đoạn 2017-2020 đặt ra 3 mục tiêu là “Tạo ra cuộc sống tiện lợi”, “Phát triển nền kinh tế số” và “Hoàn thiện tính minh bạch của chính quyền”. Ý tưởng cốt lõi của kế hoạch để thực hiện các mục tiêu trên là “thu thập và khai thác dữ liệu” (Data-driven), tăng cường hợp tác công tư (PPP) và lấy người dân làm trung tâm (civilian-centric).

Có một thông tin đáng chú ý là Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tháng 4 năm 2015 cũng được xây dựng dựa trên sự kết hợp các phương pháp luận xây dựng Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử của quốc tế, trong đó nội dung chính dựa trên Kiến trúc Chính phủ điện tử của Đài Loan. Vì vậy, quá trình xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam có thể xem xét, nghiên cứu vận dụng những kinh nghiệm về phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi và tiến hóa lên Chính phủ số của Đài Loan, nhất là các vấn đề liên quan đến tổ chức, thể chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch tổng thể và lộ trình phát triển.

Đối với Nhật Bản
Ở Nhật Bản, báo cáo đánh giá Chính phủ điện tử nổi tiếng hàng năm của Đại học Waseda cũng đã thay đổi tên gọi từ năm 2017, thành bảng xếp hạng Chính phủ số quốc tế. Lý do được đưa ra cho sự thay đổi này là: ghi nhận sự chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, do định nghĩa Chính phủ số bao quát nhiều hoạt động toàn diện hơn. Trong đó, các chỉ tiêu về sáng tạo số và nền kinh tế số đều đóng vai trò then chốt đối với những thách thức và sự tăng trưởng kinh tế[1].

Cũng trong tháng 01/2018, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Kế hoạch hành động Chính phủ số 2018[2], với dự định số hóa mọi dịch vụ hành chính công để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính hoàn toàn qua Internet. Lịch sử phát triển Chính phủ điện tử ở Nhật Bản để tiến lên Chính phủ số có thể tóm tắt trong Hình 2 bên dưới[3] và quá trình chuyển đổi từ hệ thống cũ sang hệ thống mới được minh họa ở Hình 3.
 

 

Hình 2: Tóm lược lịch sử phát triển Chính phủ điện tử của Nhật Bản

 

 

Hình 3: Quá trình chuyển đổi từ hệ thống cũ sang hệ thống mới của Nhật Bản

 
Đối với Hàn Quốc
Tháng 6 năm 2016, một nhóm các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Chính phủ điện tử, chính sách công và hành chính công của Hàn Quốc đã công bố nghiên cứu với tiêu đề: “Tại sao là Chính phủ số mà không phải Chính phủ điện tử? Sự thay đổi mô hình kiểu mẫu của Chính phủ số ở Hàn Quốc.”[4]

Mục đích của nghiên cứu này là xây dựng một mô hình mới vượt lên trên mô hình Chính phủ điện tử ở Hàn Quốc, nơi vốn đã được xếp hạng đầu bảng trong báo cáo đánh giá Chính phủ điện tử của Liên Hiệp quốc 3 kỳ liên tiếp (2010, 2012, 2014). Mặc dầu những thành tựu của Chính phủ Hàn Quốc trong các sáng kiến thực thi Chính phủ điện tử là rất đáng kinh ngạc, những thay đổi nhanh chóng về bối cảnh công nghệ, kinh tế, xã hội cũng như môi trường khiến cho năng lực điều hành trong tương lai (và ngay trong thời gian tới) của Chính phủ Hàn Quốc chưa được bảo đảm chắc chắn. Do đó, nhóm nghiên cứu về Chính phủ số của Hàn Quốc đã được thành lập dưới sự lãnh đạo của Nhóm quy hoạch Chính phủ điện tử, Ban Chính phủ điện tử, Cục Xã hội thông tin Quốc gia (NIA) – cơ quan thường trực về Chính phủ điện tử của Hàn Quốc. Nghiên cứu này đưa ra những kết quả và đề xuất nhằm thảo luận về mô hình tương lai của Chính phủ điện tử, gọi là Chính phủ số. Chính phủ số là mô hình kiểu mẫu mới, và sẽ dần thay thế cho mô hình Chính phủ điện tử cũ, với tầm nhìn mới và các chiến lược đối phó với thách thức mới. Trong đó, mô hình Chính phủ số tập trung rất nhiều vào việc tạo ra và sử dụng dữ liệu trong thời đại xã hội số để hướng tới phát triển bền vững. Chiến lược hành động là chuyển đổi từ 3 chữ E của Chính phủ điện tử (Efficient work process, Evolutionary strategy, Each silo service)[5] sang 3 chữ D của Chính phủ số (Desirable value creation, Disruptive innovation, Direct engagement service)[6].

Đề xuất cho Việt Nam
Nếu tham chiếu theo mô hình trưởng thành của Chính phủ số (hãng Gartner – Mỹ) được nêu tại Phần 1 của bài viết thì Chính phủ điện tử Việt Nam đang ở mức độ trưởng thành đầu tiên (Chính phủ điện tử) và đang có sự chuẩn bị để dần chuyển sang mức độ 2 (Chính phủ Mở). Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ, liêm chính đã quay những guồng quay đầu tiên và đang dần được vận hành thông suốt, là nền tảng cơ bản để hiện thực hóa khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam. Với hàng loạt chủ trương, chính sách mang tính cải cách mạnh mẽ hơn (phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, xóa bỏ giấy phép con, đối thoại với doanh nhân), Chính phủ đã tạo ra một luồng sinh khí mới, một sự tương tác thân thiện với xã hội, với doanh nghiệp để chia sẻ và phát triển. Việc sửa đổi các bộ luật của Quốc hội cũng luôn hướng đến tiêu chí tạo điều kiện minh bạch hơn, công bằng hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Mặc dù theo quan điểm của OECD và Ngân hàng Thế giới, Chính phủ số có nội hàm rộng hơn Chính phủ điện tử, đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chuẩn về Chính phủ số mang tính phổ quát và được công nhận rộng rãi trên thế giới. Rõ ràng là khái niệm Chính phủ điện tử của 20 năm trước sẽ khác với bây giờ do sự thay đổi nhanh chóng của yếu tố quyết định – công nghệ. Vì vậy, nội hàm của khái niệm Chính phủ điện tử không hề bất biến mà sẽ thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào sự phát triển của công nghệ và cho dù chúng ta dùng khái niệm nào đi chăng nữa thì nền kinh tế số, xã hội số và CMCN 4.0 vẫn đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ. Cũng cần lưu ý rằng sự phân biệt giữa khái niệm “Chính phủ điện tử” với khái niệm “Chính phủ số” không quan trọng bằng việc chúng ta cần xác định những mục tiêu chuyển đổi phương thức hoạt động, điều hành cho Chính phủ trong thời đại mới và cách thức để đạt được các mục tiêu đó.

Có thể thấy 2 khái niệm này thể hiện sự phát triển, tiến hóa hay trưởng thành theo các giai đoạn của xây dựng Chính phủ điện tử, nhưng không ảnh hưởng tới mục tiêu cuối cùng của Chính phủ điện tử là: “Chính phủ công khai, minh bạch, hiệu quả, bao trùm, và trách nhiệm giải trình cao”. Sự phát triển hay tiến hóa này bao gồm cả Mô hình (từ Chính phủ điện tử đứng riêng lẻ sang hệ sinh thái Chính phủ số) và Công nghệ (từ CNTT/Internet sang Công nghệ thông minh, Công nghệ số). Tạm thời, có thể hiểu Chính phủ số là một bước phát triển tiếp theo của Chính phủ điện tử, trong đó việc sử dụng công nghệ số mới nhất là cơ sở để Chính phủ thực hiện chuyển đổi và hướng tới nền kinh tế số với mục tiêu minh bạch và hiệu quả hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Vì vậy, chúng ta cần cân nhắc sử dụng khái niệm Chính phủ số theo mục tiêu và ngữ cảnh khác nhau:
Nếu để gọi tên quá trình triển khai Chính phủ điện tử trong một khoảng thời gian nhất định, có những mục tiêu Hệ sinh thái mở và các công nghệ mới thì nên hướng tới dùng khái niệm Chính phủ số để thúc đẩy quá trình này, tuy nhiên cần cân nhắc sự sẵn sàng chuyển đổi của tổ chức, văn hóa, con người của Chính phủ, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng đề ra nhưng không thực hiện được.

Nếu để gọi tên một chương trình dài hạn thì nên cân nhắc tính chính danh của khái niệm, vì mục đích cuối cùng của chương trình không nằm ở tên gọi mô hình hay công nghệ mà nằm ở mục tiêu “Chính phủ công khai, minh bạch, hiệu quả, bao trùm và trách nhiệm giải trình cao”.

Tại Việt Nam thời gian tới, việc chọn tên gọi và đưa ra phương pháp tiếp cận đối với lĩnh vực này cần tính đến các yếu tố sau: vừa có lộ trình phát triển Chính phủ điện tử theo kịp những diễn biến, xu hướng mới trên thế giới, vừa bảo đảm tính khả thi trong xây dựng Chính phủ điện tử và đồng nhất với báo cáo đánh giá của Liên hiệp quốc, vừa không gây xáo trộn lớn cũng như hiểu lầm hoặc hiểu chưa rõ ràng, đầy đủ về tên gọi và nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử./.

Võ Mạnh Linh
Cục Kiểm soát TTHC

Cải cách thể chế


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    ISO
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 182.233
    Online: 6